Những Cách Điều Trị Bệnh Ung Thư Dạ Dày Hiệu Quả Nhất
1. Các cách điều trị bệnh ung thư dạ dày
1.1. Phẫu thuật điều trị ung thư dạ dày
Phẫu thuật là đầu tiên và hiệu quả nhất. Nguyên tắc phẫu thuật là cắt bỏ rộng rãi hết khối u, cụ thể:
- Cắt xa phần bị tổn thương: trên tổn thương 6cm và dưới cơ vòng môn vị 2cm.
- Cắt bỏ mạc nối lớn: lấy đi toàn bộ hạch của chuỗi vị mạc thường có di căn sớm nhất.
- Lấy bỏ toàn bộ hạch bạch huyết đã di căn khi có thể.
- Cắt bỏ các tạng bị xâm lấn hoặc di căn: như gan, đại tràng, lách, tụy...
Các loại phẫu thuật ung thư dạ dày tùy vào giai đoạn và sức khỏe toàn trạng của bệnh nhân có thể là phẫu thuật triệt để hoặc phẫu thuật tạm thời.
Phẫu thuật triệt để được thực hiện khi chưa có di căn xa, trên đường cắt không còn tế bào ung thư, chưa có sự xâm lấn của tế bào ác tính dạ dày vào cơ quan lân cận và hạch có thể được nạo vét hoàn toàn.
Tùy theo vị trí và kích thước khối u lại có 3 loại phẫu thuật triệt để như sau:
- Cắt bán phần trên: hay còn gọi là phẫu thuật Sweet giúp lưu thông miệng nối thực quản - dạ dày, loại bỏ tổn thương ở vùng tâm vị, bỏ đi 1/3 trên dạ dày và phần cuối thực quản.
- Cắt bán phần dưới: gọi là phẫu thuật Billroth II tạo miệng nối dạ dày - ruột, loại bỏ tổn thương ở vùng hang môn vị; cắt bỏ 2/3, 3/4, 4/5 hoặc nhiều hơn nữa phần dưới của dạ dày cùng với khối u và môn vị.
- Cắt toàn bộ dạ dày: cắt đi toàn bộ dạ dày, cắt trên ở thực quản và cắt dưới ở hành tá tràng, do tổn thương không còn chỉ định cắt bán phần được nữa hoặc khi tổn thương ung thư ở bất kỳ vị trí nào nhưng yêu cầu cắt triệt căn. Tuy cắt toàn bộ dạ dày mang tính triệt căn hơn nhưng những biến chứng và di chứng sau mổ nặng nề hơn.
Khi phẫu thuật không thể lấy hết được tổn thương ung thư như phẫu thuật triệt căn, mục tiêu là giảm nhẹ các biến chứng do ung thư gây ra như đau, chảy máu, hẹp môn vị, thủng...
Các loại phẫu thuật tạm thời:
- Mở thông dạ dày: trường hợp không còn cắt được bán phần trên hay toàn bộ dạ dày do ung thư tâm vị lan lên thực quản.
- Nối vị tràng: trường hợp không còn khả năng cắt dạ dày bán phần dưới hay toàn bộ do hẹp môn vị.
- Cắt bán phần tạm thời: trường hợp không cắt được toàn bộ dạ dày và không nạo vét hết hạch theo quy định được do khối u to gây hẹp môn vị, chảy máu hoặc thủng dạ dày.
- Phẫu thuật Newman: trường hợp không còn khả năng cắt bỏ, cần cấp cứu thủng do ung thư dạ dày.
Phẫu thuật là biện pháp ngoại khoa và được chỉ định phổ biến nhất trong ung thư dạ dày. Các phương pháp khác nhằm hỗ trợ cho phẫu thuật hoặc chỉ định khi không còn phẫu thuật được nữa.
1.2. Các cách khác điều trị ung thư dạ dày:
Là biện pháp tiêu diệt tế bào ung thư hoặc ngăn chặn tế bào ung thư phát triển bằng sử dụng các hóa chất gây độc tế bào. Hóa trị có thể được chỉ định trước khi phẫu thuật hoặc phối hợp hóa trị và xạ trị để cải thiện sự sống của người bệnh sau phẫu thuật.
Xạ trị là phương pháp điều trị tại chỗ, tác động đến các tế bào ung thư tại vùng trị xạ, nghĩa là dùng các chất phóng xạ có năng lượng cao tác động trực tiếp khu vực có tế bào ung thư. Xạ trị cũng được dùng trước hoặc sau phẫu thuật để tăng hiệu quả điều trị.
Đây là phương pháp ngăn chặn sự phát triển của ung thư sử dụng các loại thuốc tác động vào hệ thống miễn dịch. Sự tăng cường hệ miễn dịch có thể được thực hiện bằng cách tăng sinh và hoạt hóa các tế bào như: NK (tế bào miễn dịch diệt tự nhiên - Natural Killer cells) và T gây độc (cytotoxic T lymphocytes - CTLs) từ cơ thể người bệnh trong phòng thí nghiệm, sau đó các tế bào này được truyền trở lại để tấn công các tế bào ung thư.
2. Theo dõi sau điều trị ung thư dạ dày
Sau khi điều trị, bệnh nhân có thể cần khám lâm sàng, làm lại các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm máu, nội soi dạ dày phần còn lại để kiểm tra và đánh giá ung thư dạ dày có biến mất không. Các triệu chứng ung thư dạ dày cũng nên theo dõi sát sao phòng trường hợp tái phát sau điều trị.
Trong suốt quá trình điều trị dù theo phương pháp nào thì người bệnh và người chăm sóc cũng cần chú ý:
- Tuân thủ theo phác đồ điều trị, chỉ định của bác sĩ.
- Tái khám theo định kỳ hoặc khi có bất cứ triệu chứng gì bất thường.
- Quan sát sự thay đổi của khối u để lựa chọn can thiệp kịp thời theo hướng bác sĩ đưa.
- Có chế độ dinh dưỡng phù hợp từng giai đoạn, lối sống và chế độ vận động để đảm bảo sức khỏe cho người bệnh.
3. Trường hợp ung thư dạ dày tái phát
Ung thư dạ dày tái phát có thể là do điều trị không loại bỏ được tất cả tế bào ung thư: phẫu thuật không hết khối u; các biện pháp khác như hóa trị, xạ trị không triệt để. Đó là nguyên nhân chủ yếu, một số nguyên nhân khác bao gồm: vẫn tiếp xúc nhiều tác nhân gây bệnh, bị suy giảm khả năng miễn dịch của cơ thể,...
Nếu nghi ngờ ung thư dạ dày tái phát, người bệnh sẽ cần làm các xét nghiệm chẩn đoán: xét nghiệm máu, chẩn đoán hình ảnh hoặc sinh thiết. Bác sĩ có thể có chỉ định nhiều đợt hóa trị liệu hoặc xạ trị hoặc cách điều trị khác làm giảm triệu chứng của bệnh.
Người bệnh nên chuẩn bị tốt những điều sau để vượt qua ung thư tái phát và đối mặt với bệnh tật tốt hơn:
- Giảm bớt nỗi sợ hãi và lo lắng về bệnh bằng cách trau dồi kiến thức về ung thư nói chung và ung thư dạ dày nói riêng.
- Tìm hiểu kỹ về các phương pháp điều trị ung thư dạ dày và kiểm soát bệnh cũng như tác dụng phụ của các cách điều trị đó.
- Chế độ dinh dưỡng phù hợp, tập thể dục nhẹ nhàng, thiền, yoga,... dành thời gian bên những người thân yêu để giảm căng thẳng.
- Tìm hiểu cách chăm sóc giảm nhẹ để nâng cao chất lượng sống. Kiểm soát các dấu hiệu ung thư dạ dày tái phát và chuẩn bị một "tinh thần thép" trong mọi trường hợp.
- Nhận sự hỗ trợ của gia đình, bạn bè và bác sĩ bằng cách chia sẻ tình trạng của mình.
4. Kết quả điều trị và tiên lượng ung thư dạ dày
Kết quả điều trị bệnh ung thư dạ dày phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: giai đoạn bệnh khi phát hiện, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, đáp ứng với phương pháp điều trị, loại tế bào ung thư, mức độ biệt hoá (thể lan tỏa, tế bào ít biệt hoá có tiên lượng xấu).
Trong những yếu tố này thì con người có thể tác động được một số yếu tố nhằm kéo dài thời gian sống là: chẩn đoán bệnh ở giai đoạn sớm khi tổn thương mới khu trú ở niêm mạc và dưới niêm mạc dạ dày, lối sống khoa học giữ thể trạng tốt,... Thời gian sống thêm từ 70 - 90 % sau 5 năm đối với ung thư dạ dày giai đoạn sớm. Khả năng tái phát sau khi phẫu thuật và phải điều trị bằng các phương pháp hóa xạ trị kết hợp ở giai đoạn muộn hơn càng nhiều, tỉ lệ sống sau 5 năm ở các giai đoạn sau trung bình chỉ chiếm từ 12 -18%.
Ung thư dạ dày nhìn chung là một bệnh có tiên lượng xấu. Các nói trên đều hỗ trợ tốt cho bệnh nhân ở giai đoạn sớm, vì vậy việc khám sức khỏe định kì, tầm soát để phát hiện sớm và tuân thủ điều trị sẽ góp phần giúp tiên lượng bệnh tốt hơn.